RSS Bài đăng | Nhận xét

Đối với hành trình phượt Singapore, di chuyển bằng tàu điện ngầm MRT là hình thức tiết kiệm chi phí đáng kể, lại thuận tiện khám phá đảo quốc xinh đẹp.

  

Du khách còn có cơ hội khám phá hệ thống tàu điện ngầm hiện đại bậc nhất Đông Nam Á khi tới đảo quốc sư tử.  

Cách di chuyển từ Nhà ga số 1 sang Nhà ga số 2 ở Changi 

Một số chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ hạ cánh ở Nhà ga số 1 (Terminal 1), sân bay Changi Singapore. Trên các chuyến bay, tiếp viên hàng không sẽ phát tờ khai nhập cảnh cho du khách nước ngoài. Ngoài ra, bạn có thể lấy mẫu tờ khai nhập cảnh đặt sẵn ở các dãy bàn gỗ. Cạnh đó là hai kệ trưng bày miễn phí các loại bản đồ Singapore về đường đi, hệ thống tàu điện ngầm, các trung tâm mua sắm và địa điểm vui chơi giải trí. Sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, bạn đi theo hướng mũi tên chỉ dẫn Skytrain to T2 để đón tàu điện miễn phí từ Nhà ga số 1 sang Nhà ga số 2 - nơi có trạm tàu điện ngầm đi vào trung tâm thành phố. Tại Nhà ga số 2, theo bảng chỉ dẫn hướng tàu điện vào trung tâm thành phố Train to city, bạn bước xuống thang cuốn sau đó rẽ trái, đi thẳng một đoạn chừng 50m là đến gần cổng vào Nhà ga số 3 (Terminal 3). Ngay trước cổng sẽ có thang cuốn đi xuống tầng hầm – nơi có trạm tàu điện ngầm.  

Cách mua thẻ tàu điện ngầm tại sân bay

   

Bạn sẽ thấy ngay quầy dịch vụ Khách hàng (Passenger Service). Hãy xếp hàng mua thẻ EZ Link với giá 12 Dollar Singapore (SGD) (tương ứng khoảng 195.000 đồng), thời hạn sử dụng 5 năm, trong đó số tiền được sử dụng 7 SGD – khoảng 115.000 đồng. Bạn có thể nạp thêm tiền vào thẻ EZ Link tại quầy Dịch vụ khách hàng hoặc máy nạp tiền - mua thẻ Ticket Machine bên cạnh trạm tàu điện. Mệnh giá thấp nhất máy nhận là 10 SGD (khoảng 165.000 đồng). Nếu không có tiền lẻ, bạn có thể đổi tại quầy. Đối với hành trình 4 ngày 3 đêm, bạn chỉ cần nạp thêm 10 SGD hoặc 20 SGD (khoảng 165.000 - 330.000 đồng) là có thể đi lại thoải mái ở Singapore. Thẻ EZ Link đi tàu điện là loại thẻ từ, quẹt tự động khi ra vào. Tùy điểm đến mà hệ thống sẽ trừ số tiền tương ứng trong thẻ, giá dao động từ 0,87 SGD (khoảng 14.000 đồng).  

Các tuyến tàu điện ở Singapore 

Tuyến Đông – Tây (màu xanh lá cây) mang tên East West, viết tắt là EW và có 31 trạm. Trạm đầu tiên xuất phát từ Pasir Ris EW1 và kết thúc ở Joo Koon EW29. Thêm 2 trạm đi từ Tanah Merah đến sân bay Changi mang tên Expo CG1 và Changi Airport CG2. Tuyến Bắc – Nam (màu đỏ) mang tên North South, viết tắt là NS và có 28 trạm, xuất phát từ Jurong East NS1, kết thúc ở Marina South Pier NS28. 

Tuyến Đông – Bắc (màu tím) mang tên North East, viết tắt là NE và có 17 trạm, xuất phát từ Harbour Front NE1, kết thúc ở Punggol NE17. Tuyến vòng (màu cam) mang tên Circle, viết tắt là CC và có 30 trạm, xuất phát từ Dhoby Ghaut CC1, kết thúc ở HarbourFront CC29 đồng thời thêm một trạm Bayfront CE1. 

Tuyến Downtown (màu xanh dương) viết tắt là DT. Tuyến này đang trong giai đoạn xây dựng thêm. Hiện nay 6 trạm được hoàn thành trong giai đoạn đầu là Bugis DT14, Promenade DT15, Bayfront DT16, Downtown DT17, Telok Ayer DT18 và Chinatown DT19.  

Cách đọc tên trạm và hướng 

Khi đi tàu điện ngầm, bạn cần chú ý tên trạm cũng như tên hướng. Tên trạm gồm chữ viết tắt của tên tuyến và số thứ tự trạm. Ví dụ, tên trạm tàu điện ngầm bạn bắt đầu đi là HarbourFront, ký hiệu là NE1 (thuộc tuyến màu tím) và tên trạm cần đến là Little India, ký hiệu là NE7 (cũng thuộc tuyến màu tím). Tên hướng được đặt theo tên trạm cuối cùng của tuyến, ghi ngay trên cửa lên tàu điện ngầm. Ví dụ: tuyến màu tím có hai hướng là HarbourFront và Puggol, tuyến màu đỏ có hai hướng là Jurong East và Marina South Pier, tuyến màu xanh lá cây có ba hướng là Pasir Ris, Joo Koon và Changi Airport. Đối với các trạm chuyển tuyến giữa các màu sắc (interchange), một số nơi là trung chuyển tuyến màu xanh lá cây và tím như Outram Park; tuyến màu đỏ, tím và vàng như Dhoby Ghaut… Bạn sẽ dễ dàng xem trên bản đồ tàu điện.  

Cách di chuyển vào trung tâm

   

Có một lưu ý, để di chuyển bằng tàu điện ngầm từ sân bay Changi vào trung tâm Singapore, bạn xuất phát từ trạm MRT Changi Airport CG2 đến MRT Tanah Merah EW4. Đến nơi, bạn bước ra đổi hướng tàu Joo Koon. Sau đó, tùy nơi lưu trú ở Singapore mà bạn sẽ chọn trạm dừng hoặc đổi tuyến tàu điện cho phù hợp. Đa số dân phượt chọn nơi lưu trú thuộc khu Clarke Quay hoặc Chinatown bởi sự tiện lợi về ăn uống. Lúc này, từ trạm tàu điện ngầm MRT Tanah Merah, bạn đi tiếp đến MRT Outram Park. Bước tiếp theo là đổi tàu điện từ tuyến xanh lá cây sang tím, hướng tàu Punggol và sẽ bước xuống ở trạm MRT Chinatown hoặc MRT Clarke Quay. Thời gian di chuyển từ sân bay vào một trong hai khu này mất khoảng một tiếng. Nếu bạn chọn lưu trú tại khu Kallang hoặc Bugis vì giá rẻ và gần các khu mua sắm, khi đó, từ trạm MRT Tanah Merah, bạn đi thêm 6 trạm nữa sẽ đến MRT Kallang, hoặc đi thêm 8 trạm nữa sẽ đến MRT Bugis (cùng thuộc tuyến tàu điện xanh lá cây).
Lưu ý : Bạn đứng chờ tàu ở sau vạch giới hạn màu vàng, đúng hướng lên tàu; không đứng ngay hướng khách xuống tàu. Khi bước lên tàu điện, cần chú ý khoảng trống giữa sảnh và tàu để tránh bước hụt chân. Khi tàu đến, hãy nhường cho hành khách xuống tàu trước rồi mới bước lên. Bên cạnh đó, bạn chú ý đến bảng điện tử chạy chữ thông báo tên từng ga đi qua / ga sắp tới để kịp thời chuẩn bị xuống trạm cần đến.
Nguồn VnExpress

0 Nhận xét

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài đăng.

Bạn có thể đọc bài đăng mới mỗi ngày được cập nhật qua e-mail bằng cách nhập địa chỉ e-mail của bạn tại mẫu sau.

Chuyện Đó Đây luôn trân trọng các ý kiến nhận xét của bạn.

Lưu ý : Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và để lại Quý danh khi gửi nhận xét. Các nhận xét không phù hợp với nội dung bài đăng hoặc vi phạm pháp luật hiện hành sẽ bị xóa.

.
Chuyen do day
Chuyen do day

Các bài mới đăng

Các nhận xét mới

Bài được xem nhiều nhất