RSS Bài đăng | Nhận xét

Vụ cháy tòa nhà chung cư 18 tầng làm hai người chết ở Hà Nội một lần nữa cho thấy nguy cơ hỏa hoạn từ các khối nhà cao tầng vẫn luôn rình rập.

Cháy nhà cao tầng


Qua phân tích các vụ cháy nhà cao tầng xảy ra trong vài năm gần đây, thượng tá Vũ Văn Bổn - phó trưởng phòng hướng dẫn và chỉ đạo về phòng cháy Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM - khẳng định có thể hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nếu biết phòng đúng cách và đúng mức. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều chuyện đáng lo.

Từng xảy ra nhiều vụ cháy

Điểm khởi phát vụ cháy chung cư 18 tầng trên đường Khuất Duy Tiến được Phòng cảnh sát PCCC Công an Hà Nội xác định là từ đường ống thu rác của tòa nhà. “Do bên dưới là buồng chứa rác, thường xuyên có chất cháy nên chỉ cần vô ý vứt tàn thuốc hoặc đốt vàng mã chưa tắt hẳn mà đã quăng xuống là đủ gây thảm họa”- thượng tá Vũ Văn Bổn giả định. Và do dọc đường ống ở các tầng có bố trí cửa thu rác nên khi xảy ra cháy khói lửa sẽ theo các cửa này tràn ra gây khó khăn cho việc thoát hiểm. Theo ông Bổn, đây là một trong những “tử huyệt” phải đặc biệt chú ý trong việc phòng cháy.

Ông Bổn cho biết thêm ngay cả những vụ cháy có nguyên nhân trực tiếp từ các sự cố kỹ thuật như chập điện, rò khí gas cũng có “đóng góp” gián tiếp từ ý thức của người quản lý, sử dụng. Do đó, không chỉ những nhà cao tầng, chung cư cũ xây dựng không đủ các tiêu chuẩn phòng chống cháy mà ngay cả những tòa nhà có thiết kế hiện đại với đầy đủ hệ thống cảnh báo, chữa cháy thì “bà hỏa” cũng không chừa.

Tại TP.HCM, hỏa hoạn từng xảy ra ở hai tòa nhà sang trọng bậc nhất như cao ốc 33 tầng Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng (ngày 27-3-2007) và cao ốc 20 tầng Diamond Plaza trên đường Lê Duẩn (ngày 27-10-2004). Cùng lúc xảy ra vụ cháy tại Diamond Plaza, một vụ hỏa hoạn cũng bùng phát tại tầng 15 chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) và rất may được lực lượng tại chỗ dập tắt kịp thời.

Phòng cháy hơn chữa cháy

Câu khẩu hiệu “xưa như trái đất” này ai cũng biết, cũng hiểu nhưng thực tế không phải ai cũng vận dụng để tự bảo vệ mình. Trở lại các điểm nóng từng được cảnh báo mất an toàn về PCCC như chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5), cư xá Lý Thường Kiệt (quận 10, TP.HCM)... đâu đâu cũng thấy dây điện câu mắc sai quy định, vật dụng dễ cháy chất tùy tiện dọc hành lang dưới cầu dao điện và ngay lối thoát hiểm.

Theo thượng tá Vũ Văn Bổn, khi xảy ra cháy ở nhà cao tầng, lực lượng tại chỗ và lực lượng chữa cháy, cứu hộ chuyên nghiệp phải tuyệt đối bình tĩnh xác định khu vực cháy, mức độ ảnh hưởng để sơ tán những người bên trong tòa nhà thoát hiểm an toàn. Chẳng hạn, nếu xác định đám cháy xảy ra ở tầng 15 phải lập tức dùng loa trấn an người dân các tầng bên dưới, đồng thời đưa ra những hướng dẫn cần thiết để tránh ngạt khói cho người dân các tầng bên trên rồi nhanh chóng đưa mọi người thoát ra ngoài. “Nhờ được huấn luyện thuần thục và trang bị phương tiện tốt nên ở vụ cháy Diamond Plaza chỉ hơn 10 phút lực lượng bảo vệ đã đưa hơn 1.000 người ra ngoài an toàn” - ông Bổn kể.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý mặc dù sống trong những cao ốc hiện đại, có lực lượng bảo vệ túc trực và khả năng ứng cứu tức thời của lực lượng chữa cháy, cứu hộ chuyên nghiệp nhưng bản thân mỗi người cũng không nên ỷ lại mà phải hình thành ý thức phòng cháy mọi lúc, mọi nơi.

Người dân chưa “mặn” với bảo hiểm cháy nổ

Nghị định 130/2006/NĐ-CP ngày 8-11-2006 quy định các cơ sở thuộc danh mục có nguy hiểm về cháy nổ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Trong đó, nhà tập thể, chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ năm tầng trở lên hoặc có khối thể tích từ 5.000m3 trở lên đều phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Tại TP.HCM có hàng ngàn cơ sở thuộc diện này, có bao nhiêu cơ sở đã thực hiện mua bảo hiểm? Các cơ quan chức năng TP đều trả lời: chưa có thống kê đầy đủ!

Thượng tá Nguyễn Văn Băng, trưởng phòng tham mưu Sở Cảnh sát PCCC, cho biết những đối tượng mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là rất ít mà nguyên nhân một phần là do quy định chưa rõ ràng. Chẳng hạn, trách nhiệm mua bảo hiểm là từng hộ trong chung cư hay ban quản lý chung cư còn đang là vấn đề tranh cãi.

Xe thang cứu hỏa chỉ cao 72m

Thiếu tướng Trần Triều Dương, giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết như vậy khi trả lời phóng viên Tuổi Trẻ.

- Hiện nay TP chỉ có xe thang cao 72m, trực thăng chữa cháy chưa có nên cũng là một hạn chế trong chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, đối với tòa nhà được thiết kế hiện đại áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài nên có thể yên tâm về mức độ an toàn. Nếu xảy ra cháy, chúng tôi có lực lượng trinh sát thâm nhập tòa nhà để vừa xác định điểm cháy, vừa tìm kiếm người kẹt bên trong.

* Cụ thể sử dụng nguồn nước từ đâu, giải cứu người bằng cách nào khi tòa nhà quá cao?

- Tòa nhà được thiết kế có hệ thống cung cấp nước, thang máy độc lập và hệ thống PCCC tại chỗ đủ sức xử lý sự cố ở trên cao, ở những tầng vượt tầm với của lực lượng chữa cháy bên dưới. Riêng về cứu hộ, xe thang có khả năng cứu hộ tốt ở độ cao 20 tầng, còn những tầng cao hơn lực lượng cứu hộ sẽ sử dụng thang dây và thang dây thì không bị giới hạn về độ cao.

* Với những tòa nhà cao tầng, ý kiến thẩm duyệt của cảnh sát PCCC có vai trò như thế nào khi cơ quan cấp phép xây dựng muốn đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian cấp giấy phép?

- Tại TP.HCM có thời điểm (năm 2005 - PV) yêu cầu thẩm duyệt PCCC được bỏ qua nên có nhiều công trình khi xây dựng hoàn chỉnh nhưng thiếu các hệ thống PCCC cơ bản, sau khi kiểm tra mới yêu cầu khắc phục. Đến nay gần 100 công trình chưa khắc phục được. Hiện nay thẩm duyệt PCCC vẫn là yêu cầu bắt buộc khi cấp phép xây dựng.

Tháng 12-2009, Bộ Khoa học - công nghệ đã ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2009 về phương tiện PCCC cho nhà và công trình. Đây là bộ tiêu chuẩn mới nhất về trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC được chúng tôi áp dụng để thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra hướng dẫn an toàn PCCC từ ngày 8-3-2010. Thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn này thì mức độ an toàn PCCC của các tòa nhà cao tầng sẽ được nâng lên.

* Vậy những công trình không đạt chuẩn phòng chống cháy đã lỡ xây có bị xử phạt hoặc đình chỉ hoạt động?

- Do đã xây dựng kiên cố, quy mô lớn nên các công trình này khó có thể dỡ ra làm lại. Vì thế khi kiểm tra chúng tôi thường chỉ xử phạt một lần và yêu cầu phải tăng cường các giải pháp khác như thêm hệ thống bơm, thêm bình chữa cháy, mở thêm lối thoát hiểm... bảo đảm khả năng phòng và chữa cháy tại chỗ.

Nguyễn Triều


Kiểm tra phòng chống cháy chung cư cao tầng tại Hà Nội

Ngày 12-3, tin từ UBND TP Hà Nội cho biết sau vụ cháy tại chung cư 18 tầng JSC34 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP đã có văn bản yêu cầu các sở Xây dựng, Kế hoạch - đầu tư, Quy hoạch - kiến trúc, Công an TP tiến hành rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh công tác quản lý các nhà chung cư cao tầng trên địa bàn TP.

UBND TP giao Sở Xây dựng khẩn trương kiểm tra sự tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng, kiểm tra căn cứ nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng theo quy định của pháp luật. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tòa nhà JSC34 khẩn trương kiểm tra, báo cáo về chất lượng công trình sau vụ cháy.

UBND TP cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở Kế hoạch - đầu tư, Quy hoạch - kiến trúc, Công an TP, UBND các quận, huyện có liên quan tổ chức việc rà soát, kiểm tra chất lượng công trình, căn cứ nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng, đặc biệt là căn cứ về phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành của các tòa nhà chung cư trên địa bàn.

Xuân Long


Theo Tuổi Trẻ Online

1 Nhận xét

  1. Bạn Phan Hữu Luân đã gửi nhận xét :

    Tìm mãi trên Google không thấy cái Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890 : 2009. Ngay cả ở trang Sở Cảnh sát PC & CC (http://www.pccc.hochiminhcity.gov.vn/Default.aspx?pageid=1&mid=252&breadcrumb=353&intSetItemId=353&action=docdetailview&intDocId=2737)cũng chỉ là cái thông báo :

    "Ngày 01 tháng 12 năm 2009 Bộ Khoa Học Công Nghệ đã ký quyết định số 2726/QĐ – BKHCN về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890 : 2009 phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng



    Sở Cảnh sát PC&CC thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2009 quy định về phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng, theo Quyết định số 2726 /QĐ – BKHCN ngày 01 tháng 12 năm 2009 của Bộ Khoa học Công nghệ trong công tác thẩm duyệt hồ sơ thiết kế về PC&CC các dự án, công trình và tiến hành kiểm tra hướng dẫn an toàn PCCC các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn thành phố kể từ ngày 08/03/2010 .

    Sở Cảnh sát PC&CC thành phố Hồ Chí Minh"

    vào lúc lúc 16:19 15 tháng 3, 2010

     

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài đăng.

Bạn có thể đọc bài đăng mới mỗi ngày được cập nhật qua e-mail bằng cách nhập địa chỉ e-mail của bạn tại mẫu sau.

Chuyện Đó Đây luôn trân trọng các ý kiến nhận xét của bạn.

Lưu ý : Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và để lại Quý danh khi gửi nhận xét. Các nhận xét không phù hợp với nội dung bài đăng hoặc vi phạm pháp luật hiện hành sẽ bị xóa.

.
Chuyen do day
Chuyen do day

Các bài mới đăng

Các nhận xét mới

Bài được xem nhiều nhất