RSS Bài đăng | Nhận xét

Bên cạnh các tính năng giải trí thời thượng, khi chọn AV receiver, bạn cần quan tâm đến công suất đầu vào cũng như các kết nối hỗ trợ.

Onkyo Receiver 5.1

Những năm 2000, các nguồn phát video chủ yếu là các đầu băng VCR còn nhạc thì từ các đĩa CD truyền thống. Màn hình TV vẫn còn ở dạng CRT kềnh càng chứ chưa nhiều khái niệm về HD hay Blu-ray như hiện nay. Thời đó có một bộ âm thanh 5.1 đã được coi là hoành tráng lắm.

Nhưng chỉ trong vòng có 10 năm mà đã có nhiều thay đổi đột phá. TV CRT nhanh chóng trở nên lỗi thời và thậm chí bắt đầu rời bỏ kệ hàng trong các siêu thị điện máy lớn. Các đầu băng dần nhường chỗ cho DVD, tương lai sẽ là đầu Blu-ray. Đĩa CD bắt đầu bị cạnh tranh bởi các nội dung tương tự từ Internet, và truyền hình độ phân giải cao đang dần chiếm ưu thế trong mỗi gia đình.

Với xu hướng thay đổi công nghệ này, càng ngày càng có nhiều người mong muốn nâng cấp dàn rạp hát tại gia của mình. Các bộ receiver ngày nay càng hiện đại, nó không chỉ là những thiết bị chuyển đổi âm thanh đơn thuần mà đang đóng vai trò là bộ não trung tâm của cả hệ thống nghe nhìn nhà bạn. Mọi thứ đều được nối với nó, và với khả năng xử lý ngày càng thông minh, chúng không còn bị mang tiếng là những thiết bị cồng kềnh chất lượng kém nữa mà đang góp phần đưa bạn vào trong không gian của âm thanh hình ảnh giải trí gia đình.

Tuy nhiên, để lựa chọn đúng bộ mình cần, bạn cũng cần phải lướt qua những tiêu chí thông số chủ yếu để làm sao đạt được mục tiêu cuối cùng là sở hữu được một bộ hợp lý nhất trong tầm tiền cho phép.

Công suất

Công suất danh định (tính bằng W) của một receiver đôi khi không phải là thông số tốt để đánh giá năng lực âm thanh. Thực tế, có nhiều phương pháp được các nhà sản xuất áp dụng để đạt được con số này. Vì thế, dừng quá hy vọng vào việc công suất lớn chất lượng tốt. Như receiver của Harman/Kardon, về mặt công suất có thể không phải là một receiver hoành tráng, nhưng khả năng trình diễn lại không hề yếu kém.

Thông thường, các receiver chỉ có 10 Watt mỗi kênh sẽ không làm được gì nhiều. Nói chung, hãy chọn những bộ với công suất tối thiểu từ 75 Watt mỗi kênh hoặc hơn. Cố gắng tập trung vào những tên tuổi đã có tiếng như Denon, Onkyo, Harman/Kardon, Pioneer, Sony... thay vì các tên tuổi vô danh chỉ quảng cáo về công suất. Tất nhiên, để đánh giá đúng nhất, bạn phải đi nghe thực tế trong một phòng nghe hẳn hoi. Hãy bật nút âm lượng lên khoảng một phần ba rồi một nửa, từ đó, bạn có thể biết âm thanh bộ này có bị vỡ không, có giữ nguyên được chất lượng không.

Các kênh

Thông thường, các kênh 5.1 từ trước tới nay đã gần như trở thành tiêu chuẩn để người mua lựa chọn (bao gồm 5 loa trái trước, phải trước, giữa, trái sau, phải sau và một loa siêu trầm). Nhưng với sự gia tăng của công nghệ Blu-ray, hệ thống âm thanh 7.1 đang dần chiếm ưu thế trong receiver tiên tiến và đang dần trở thành tiêu chuẩn mới. Tuy nhiên, việc bạn không được trải nghiệm một âm thanh 7.1 đúng nghĩa qua hệ thống loa 7.1 thực sự thì cũng không có nghĩa là đã mất đi nửa thế giới. Ngày nay, với sự tiến bộ của kỹ thuật, các nhà làm phim cũng như các hãng sản xuất đã đưa ra những receiver hỗ trợ tới 9.1 (thêm hai kênh cao hoặc hai kênh trước rộng hơn), hay thậm chí trong tương lai có thể lên tới 10.1 hay 12.1.

Thực ra, cũng không thật sự cần thiết phải nói lời giã từ với 5.1. Nếu ngân sách của bạn hạn chế (khoảng dưới 300 USD) thì những bộ ở tầm giá này nếu hỗ trợ 7.1 chắc chắn sẽ lại bị hụt ở tính năng khác. Nhưng bắt đầu với mức giá từ 300 USD tới 400 USD thì bạn đã có thể lựa chọn những bộ với chất lượng chấp nhận được. Còn với hệ thống 9.1, mặc dù về âm, có thể bạn sẽ có thêm được một vài kênh cao hay rộng, nhưng những bộ receiver hỗ trợ hệ thống kênh này lại có giá khá mắc, khoảng trên 1.000 USD trở lên.

Receiver ngày nay hỗ trợ rất nhiều chế độ nghe khác nhau, từ chuẩn Dolby cho tới vô vàn chuẩn từ nhiều hãng khác nhau, và thể hiện âm thanh ngày càng thông minh hơn. Một số bộ còn tích hợp sẵn microphone để nghe âm dội, từ đó tự động điều chỉnh âm thanh cho phù hợp với phòng nghe. Vì thế, một receiver hiện đại hỗ trợ kênh 5.1 ngày nay cũng có chất lượng khác xa so với hệ thống cũng 5.1 thời trước rất nhiều.

Kết nối

Rõ ràng chuẩn mới HDMI đang ngày càng trở nên thông dụng và hứa hẹn sẽ tiếp tục là chuẩn thống trị ít nhất là trong tương lai gần. Một lợi thế của HDMI là do hoàn toàn kỹ thuật số nên hầu như âm thanh hình ảnh sẽ không bị mất thông tin khi kết nối giữa hai thiết bị. Thêm vào đó là khả năng truyền tải âm thanh, hình ảnh trên cùng một cáp, khiến cho việc kết nối trở nên gọn nhẹ và dễ dàng hơn nhiều.

Tuy nhiên, vì thế mà bạn lại cần phải tìm receiver hỗ trợ cổng vào HDMI với phiên bản mới nhất (1.3 chẳng hạn) so với các chuẩn cũ. Nói chung, hầu hết receiver hiện nay đều hỗ trợ ít nhất là một cổng, nhưng bạn phải tính đến nhu cầu mở rộng sau này khi nó thực sự trở thành trung tâm của mọi kết nối. Chẳng hạn, nếu bạn có đầu Blu-ray, đầu này sẽ chiếm một cổng. Nếu bạn có thêm bộ chơi game, lại phải thêm cổng nữa. Đó là chưa kể đầu audio hay các thiết bị khác sẽ nâng cấp sau này.

Đừng tốn cả mở tiền vào việc mua sắm những cáp HDMI đắt đỏ (75 tới cả trăm USD), chỉ vì nghĩ rằng cáp HDMI vì là chuẩn tương lai nên đầu tư những sợi cáp với những lời quảng cáo đầu mạ vàng, chống nhiễu… Không như cáp analog mà chất lượng tốt sẽ cho âm thanh tốt, cáp HDMI là dạng kỹ thuật số hoàn toàn nên chỉ cần một dây cỡ trung bình cũng vẫn đảm bảo truyền đủ tín hiệu mà không lo bị mất mát. Hãy mua những sợi cáp HDMI bình thường từ những cửa hàng bình thường với giá chỉ vài USD một sợi là đủ.

Nội dung Internet

Có nhiều cách truyền âm thanh hình ảnh từ máy tính hay Internet đến receiver thông qua các thiết bị khác nhau, nhưng điểm nổi bật ở chúng là có thể tự tìm nội dung trên Internet như các đài radio hay các trang chuyên nghe nhạc. Thậm chí, còn có thể tự kết nối tới nhà sản xuất và cập nhật firrmware mới nhất.

Receiver hỗ trợ nối mạng thực ra không phải là một ý tưởng mới, nhưng hồi đó chỉ được đưa vào receiver đắt tiền và đường mạng thì chập chờn. Nhưng mọi sự đã khác bởi ngày nay mạng Internet đã rẻ hơn và ổn định hơn nhiều so với trước đây. Vì thế, các phiên bản receiver đời mới như Onkyo TX-NR807 với mức giá khá dễ chịu cũng đã hỗ trợ đầy đủ tính năng này.

Kết nối mạng

Để tạo nên được một mạng hoàn hảo thì mua một receiver hỗ trợ mạng mới chỉ là một vế của vấn đề. Bạn còn phải chuẩn bị một số thiết bị phụ trợ khác thì mới thực sự tạo một mạng hoàn chỉnh giữa các thiết bị giải trí trong nhà và Internet được.

Dùng cáp mạng Ethernet thông thường là lựa chọn thứ nhất. Do là mạng chạy dây, nên đây cũng là kết nối nhanh và ổn định. Chỉ có điều, kết nối toàn bộ hệ thống giải trí bằng dây đôi khi sẽ khiến nhà bạn trở nên bừa bộn.

Sử dụng cầu kết nối không dây, nhưng kết nối này nói chung vẫn còn chậm và chưa được ổn định.

Sử dụng nối mạng qua đường điện dân dụng với các thiết bị hỗ trợ kiểu như bộ Netgear XAVB101. Chất lượng đường truyền cũng khá hoàn hảo, hơn mạng không dây, nhưng lại phụ thuộc vào chất lượng mạng điện cung cấp nơi bạn ở có thường xuyên bị cắt hay không.

Lựa chọn thứ tư cũng có vẻ đáng tin cậy, đó là sử dụng các adapter MoCA (Multimedia over Coax Alliance) kết nối thông qua cáp đồng trục có sẵn trong tường. Hiện nay cũng chỉ thấy Netgear đưa ra bộ kết nối dạng này (MCAB1001 MoCA Coax-Ethernet Connection Kit) nhưng lại có giá khá đắt, khoảng gần 200 USD.

Công suất pre-amp

Các chuyên gia âm thanh đều khuyến cáo không nên mua receiver không hỗ trợ pre-amp out, bởi lẽ không ai dám chắc sau này mình sẽ lại tiếp tục nâng cấp thiết đặt âm thanh hay muốn thêm công suất, bởi những receiver không có sẵn module này sẽ không cho phép làm như vậy. Tất nhiên, nếu bạn đủ tiền mua những bộ receiver khủng ngay từ đầu thì lúc này lựa chọn có hay không có pre-amp sẽ không còn quan trọng nữa.

Xử lý tín hiệu video

Nâng cấp tín hiệu hình ảnh là quá trình nâng độ phân giải từ những thiết bị cũ, như đầu video băng với chất lượng thấp lên độ phân giải cao hơn để hiển thị trên các màn HD. Việc chuyển tín hiệu này lên thành các tín hiệu gần với chuẩn HD thì hình ảnh sẽ càng trong và mượt hơn. Tuy nhiên, hầu hết các thế hệ HDTV cũng như đầu đĩa ngày nay đều đã tích hợp sẵn chức năng này.

Nếu màn hình hay đầu đĩa của bạn đã hỗ trợ quá trình nâng độ phân giải thì có lẽ sẽ không cần quan tâm xem liệu receiver có hỗ trợ nữa hay không. Nhưng nếu cầu kỳ hơn, thì có thể chọn những receiver cao cấp tích hợp chức năng nâng cấp này. Bởi lẽ với những tính năng tiên tiến như các thế hệ xử lý "Faroudja DCDi Cinema" hay "HQV Reon-VX", receiver cao cấp xử lý vấn đề nâng cấp hình ảnh tốt hơn nhiều.

Bạn cũng nên để ý tới tính năng pass-though của receiver. Tính năng này cho phép tín hiệu vào thế nào ra thế ấy, gần như không bị xử lý chút nào cả. Đây là một lựa chọn cũng khá hữu ích nếu như bạn có những đầu phát hình đã cao cấp sẵn thì tín hiệu ra của đầu này đôi khi còn chuẩn hơn tín hiệu bị receiver xử lý.

Giải mã âm thanh

Receiver từ xưa đến nay vốn đã hỗ tợ đủ mọi định dạng âm thanh hình ảnh. Nhưng ngày nay, với ngày càng nhiều chuẩn mới ra đời, hãy đảm bảo bạn chọn được một receiver hỗ trợ đầy đủ những công nghệ audio mới nhất, đặc biệt là các chuẩn không nén mới như Dolby TrueHD và DTS-HD Master Audio. Các fan của hệ thống đa kênh có thể còn muốn tìm những receiver hỗ trợ chuẩn mới Dolby Pro Logic IIz hay định dạng âm thanh vòm mới Audyssey DSX surround để có thể tận hưởng các kênh cao hay kênh rộng được thêm vào các kênh thông dụng sẵn có.

Hỗ trợ ổ đĩa ngoài và iPod

Không ai có thể phủ nhận sự thông dụng của thiết bị nghe nhạc đình đám của Apple, chiếc máy iPod. Vì thế nếu trước đây vất vả với việc nối iPod với receiver thì ngày nay, khó có thể tìm được những receiver đời mới không có hỗ trợ iPod, thậm chí còn tích hợp sẵn thành những khe dock tiện dụng. Hãy đảm bảo receiver bạn chọn cũng có sẵn module này, và nếu có thể, tìm hiểu liệu chúng có hỗ trợ luôn các thiết bị ổ cứng cắm ngoài qua USB để bạn có thể nhanh chóng xây dựng một kho nhạc số dễ dàng.


Nguyễn Hà
Theo Số hóa

Chủ đề : , | edit post

0 Nhận xét

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài đăng.

Bạn có thể đọc bài đăng mới mỗi ngày được cập nhật qua e-mail bằng cách nhập địa chỉ e-mail của bạn tại mẫu sau.

Chuyện Đó Đây luôn trân trọng các ý kiến nhận xét của bạn.

Lưu ý : Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và để lại Quý danh khi gửi nhận xét. Các nhận xét không phù hợp với nội dung bài đăng hoặc vi phạm pháp luật hiện hành sẽ bị xóa.

.
Chuyen do day
Chuyen do day

Các bài mới đăng

Các nhận xét mới

Bài được xem nhiều nhất