RSS Bài đăng | Nhận xét

Thai kỳ kéo dài khoảng 280 ngày, tương đương 40 tuần. Dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe người mẹ mà còn cung cấp đủ dưỡng chất để thai nhi phát triển tốt và phòng tránh được một số khuyết tật.

Mức tăng cân đủ trong suốt thai kỳ được khuyến nghị tại Việt Nam là 10-12 kg. Trong đó ba tháng đầu không tăng hoặc tăng ít (1 kg), ba tháng giữa tăng 4-5 kg, ba tháng cuối tăng 5-6 kg. Tăng cân đủ là một yếu tố giúp xác định thai kỳ khỏe mạnh. Nếu trong sáu tháng cuối mà mỗi tháng tăng ít hơn hoặc bằng 1 kg là tăng ít, thường gặp ở các thai kỳ có bệnh lý hoặc dinh dưỡng kém. Nếu tăng cân ít thì thai sẽ chậm tăng trưởng trong tử cung và tỉ lệ tử vong chu sinh cao.

Tuy nhiên nếu tăng cân quá nhiều (hiện có nhiều người tăng 20-22 kg) sẽ dẫn đến tình trạng mẹ béo phì sau sinh và cân nặng của trẻ sơ sinh cao (trên 4 kg), có thể dẫn đến các bất lợi lúc sinh như chuyển dạ kéo dài, khó sinh do vai, sinh mổ, chấn thương khi sinh, ngạt. Mẹ tăng cân quá nhiều kèm với cân nặng của trẻ sơ sinh quá lớn thì cần tầm soát tiểu đường thai kỳ.

Đủ đạm, sắt...

Mỗi ngày một thai phụ được cung cấp thêm 350 kcalo so với lúc không mang thai để có thể tạo nên một trẻ sơ sinh có cân nặng 3-3,4 kg và phục vụ các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể. Thai phụ cần được cung cấp đủ chất đạm, chất sắt, axit folic.

Thai nhi cần rất nhiều chất đạm để có thể tăng trưởng và tích tụ protein. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, lượng đạm cần tăng thêm 12-15 gam mỗi ngày. Nguồn đạm tốt cho thai phụ có trong hầu hết các thực phẩm dùng hằng ngày như thịt, cá, trứng, sữa, phó mát, ngũ cốc và các loại đậu... Ngoài ra, trong khẩu phần ăn hằng ngày cũng cần được cung cấp đầy đủ một số axit amin thiết yếu mà cơ thể không tổng hợp được như histidine, isoleucine, leucine, lysine, methionine, phenylalanine, threonine, tryptophan và valine.

Sắt là chất duy nhất được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo bổ sung đại trà cho phụ nữ mang thai, từ 30-60 mg sắt mỗi ngày. Thời gian bổ sung từ khi biết có thai đến sau khi sinh một tháng. Thiếu máu do thiếu sắt rất thường gặp ở phụ nữ mang thai (chiếm 30-35%). Biểu hiện ở chỗ da xanh, niêm mạc nhợt, cơ nhão, làm việc mau mệt và ưa buồn ngủ. Hậu quả là kết quả thai kỳ kém, không đạt được mẹ tròn con vuông, trẻ sinh ra nhẹ cân, tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cao ở cả mẹ lẫn con.

Cần lưu ý uống viên sắt vào giữa các bữa ăn, không uống cùng lúc với sữa, trà, cà phê vì sẽ làm hạn chế hấp thu sắt. Do vậy ở phụ nữ thiếu máu thiếu sắt thường được khuyến cáo không nên uống trà. Các thực phẩm giàu sắt gồm thịt, huyết, trứng, gan , tim, các loại rau lá có màu xanh đậm. Sắt có trong thức ăn động vật dễ hấp thu hơn trong thức ăn thực vật.

... và axit folic

Axit folic (vitamin B9) có vai trò quan trọng trong việc phân chia các tế bào, tham gia trong quá trình tạo ra tế bào hồng cầu và giữ vai trò quyết định trong việc hoàn thiện ống thần kinh của thai nhi. Hậu quả của thiếu axit folic là khiếm khuyết ống thần kinh, gây ra thai vô sọ, thoát vị não - màng não, hở đốt sống, gai đôi cột sống. Vì ống thần kinh thai nhi được hình thành trong bốn tuần đầu của thai kỳ, nên việc bổ sung axit folic phải thực hiện ngay từ khi có ý định mang thai cho đến hết ba tháng đầu của thai kỳ.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy bổ sung axit folic giúp giảm 50-70% các dị tật do khiếm khuyết ống thần kinh gây ra. Liều bổ sung từ 0,4-0,8 mg/ngày. Thực phẩm có chứa nhiều axit folic là thịt bò, gan, giá sống, rau xanh, củ cải, bông cải, đậu nành...

BS Nguyễn Thị Ngọc Hương - Trung tâm Dinh dưỡng
BS Đặng Ngọc Yến Dung - BV Hùng Vương, Tp.HCM
Theo Tuổi Trẻ

0 Nhận xét

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài đăng.

Bạn có thể đọc bài đăng mới mỗi ngày được cập nhật qua e-mail bằng cách nhập địa chỉ e-mail của bạn tại mẫu sau.

Chuyện Đó Đây luôn trân trọng các ý kiến nhận xét của bạn.

Lưu ý : Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và để lại Quý danh khi gửi nhận xét. Các nhận xét không phù hợp với nội dung bài đăng hoặc vi phạm pháp luật hiện hành sẽ bị xóa.

.
Chuyen do day
Chuyen do day

Các bài mới đăng

Các nhận xét mới

Bài được xem nhiều nhất