RSS Bài đăng | Nhận xét

Chu kỳ thanh toán T+3 

Trong thị trường hàng hóa bán lẻ thông thường thì đa phần khi chúng ta giao dịch mua bán là “tiền trao và cháo múc” luôn, tức là ngày giao dịch và ngày thanh toán là cùng 1 ngày và xảy ra ngay lập tức (đa phần thế).

  

Sở dĩ có nguyên nhân như vậy là do tính chất song phương trong giao dịch và không hề qua 1 tổ chức trung gian thanh toán nào cả, và giá trị giao dịch thường là nhỏ, hình thức giao dịch song phương ở đây được hiểu là mua bán tay đôi tức là người mua A đến cửa hàng của người mua B và 1 tạ đường trắng (1 đối 1 trong mua bán và giá trị nhỏ). 

Hình thức mua bán song phương như vậy sẽ thực sự phù hợp với các giao dịch đơn giản, giá trị giao dịch nhỏ, mặt đối mặt và ưu điểm là tiền thường thu về ngay lập tức để phục vụ tiếp cho hoạt động kinh doanh khác. Tuy nhiên đó chỉ mang tính giản đơn, trong thực tế khi khối lượng giao dịch rất lớn, người mua không thể tập hợp ngay lập tức lượng hàng hóa dịch từ 1 người bán hay người bán có lượng hóa đủ lớn cũng không thể nào bán với 1 số khách nhất định như những người bán nhỏ lẻ khác được, họ thậm chí còn bán cả cho các người bán khác nhỏ hơn, hình thức giao dịch như vậy gọi là đa phương, và khi nhìn vào lược đồ dưới đây có cảm giác như đi vào “mê cung”, ngày thứ 1 mua bán, người mua M1 mua tổng cộng 500 triệu đồng gồm từ người bán B1 130 triệu đồng, người bán B2 75 triệu đồng, người bán B3 185 triệu, người bán B4 110 triệu đồng, … rồi cứ thế người mua M2, M3, M4 và các ngày thứ 2 thứ 3 thứ 4 … mua bán, rồi đi sâu hơn thì giá cả các lô hàng cũng khác nhau, rồi thời gian chuyển giao hàng cũng khác nhau, … Như vậy việc mua bán lúc này đã trở nên phức tạp lên rất nhiều, muôn màu muôn vẻ phát sinh từ thực tế cuộc sống, việc buôn bán theo tập quán lâu dần, dần dần một số tách bạch cả ngày giao dịch và ngày thanh toán, tức là không còn “tiền trao cháo múc” nữa mà lấy hàng trước và tiền trả sau (gọi là nợ buôn bán), rồi 1 số là đặt tiền trước và lấy hàng sau, … Như vậy lúc này nhu cầu đòi hỏi xuất hiện 1 trung gian ở giữa hỗ trợ để đảm bảo việc mua bán thanh toán mọi thứ để hỗ trợ cho việc giao dịch lúc này trên thị trường, mà hình thức mua bán giao dịch thanh toán đa phương là chủ yếu. Và trong chứng khoán ở Việt Nam hiện nay, thì Sở giao dịch Chứng khoán và Trung tâm tâm ký Chứng khoán đang đảm nhiệm vai trò này, trong đó Sở giao dịch Chứng khoản quản lý việc giao dịch còn Trung tâm Lưu ký Chứng khoán quản lý việc thanh toán.

  

Đã từ lâu chúng ta vẫn hay nghe người ta nhắc đến T+3, T+3, T+3 nhưng mà thực sự cũng chả có mấy người hiểu được vì sao lại là T+3, mà họ chỉ biết đơn giản mua xong và 3 ngày làm việc sau mới bắt đầu bán được. Vậy thì nguyên nhân là vì đâu mà mua xong (Ngày giao dịch là ngày T+0) thì 3 ngày làm việc sau hay ngày thanh toán T+3 mới bắt đầu bán được. Đi ngược trở lại quá trình giao dịch thanh toán đa phương, ta thấy hoạt động mua bán chứng khoán hàng ngày là rất lớn, trong vòng 6 tháng đầu năm 2013 thì trung bình hàng ngày có khoảng 30.000 – 50.000 lệnh được đưa vào 02 Sở giao dịch Chứng khoán, mỗi lệnh có thể được khớp từ nhiều lệnh đối ứng khác ở các khung thời gian khác nhau tạo thành 1 mạng lưới cặp đối ứng mua bán còn chừng chịt hơn là sơ đồ trên rất nhiều. Thông thường 1 ngày giao dịch, mỗi nhà đầu tư chắc có lẽ cũng chỉ đặt mua bán 1 vài hoặc thậm chí là vài chục lệnh là cùng, thế nên sẽ không cảm nhận được gì, tuy nhiên khi ở mức vài vạn lệnh chung toàn thị trường thì sẽ gặp phải tình trạng trong vài vạn lệnh đó có 1 vài lệnh bị gặp trục trặc, thuật ngữ chuyên môn gọi là lỗi. Bản thân lỗi cũng rất da dạng phong phú, ví dụ như bán thành mua, mua thành bán, hay tăng giảm số lượng mua bán, rồi nhần mã chứng khoán … lỗi này có thể là do lỗi con người, cũng có thể là do lỗi hệ thống bất khả kháng vì đơn giản không có gì là 100% cả, vấn đề đặt ra ở đây là khi lỗi xảy ra ví dụ hệ thống tự “nhảy” bán 1.000 cổ phiếu REE thành bán 10.000 cổ phiếu REE trong khi nhà đầu tư có số tài khoản bị lỗi hệ thống đó cũng chỉ sở hữu có 1.000 cổ phiếu REE mà thôi, như vậy việc đặt ra lúc này là không chỉ ảnh hưởng bởi chính bản thân lệnh bán của khách hàng mình mà còn ảnh hưởng cả bên đối ứng, vấn đề lúc này là bên mua đã xác nhận việc mua đó và không có lí do gì vì lỗi của bên bán mà bên mua lại không mua được số chứng khoán nói trên, nhất là 10.000 cổ phiếu đó có thể đến từ nhiều khách hàng ở các công ty chứng khoán khác nhau và ngay sau khi mua xong thì giá lại lên nữa thì gần như nếu hủy lệnh đó của họ đi, sẽ thành vấn đề lớn và việc kiện cáo nhau vì lợi ích là không thể tránh khỏi. Như vậy, tình huống trên đòi hỏi chúng ta phải cố gắng khắc phục ở phía bên bán và không làm ảnh hưởng gì tới người mua, và do đó chúng ta cần 1 khoảng thời gian nhất định để khắc phục tình trạng có 1 vài lệnh “sạn” bị lỗi hàng ngày nói trên để đảm bảo sự thông suốt của toàn thị trường chứng khoán, nên nếu thời gian thực hiện quá trình đối chiếu và xác nhận lệnh giao dịch hàng ngày càng ngắn thì rủi ro càng lớn hơn, đặc biệt là khung thời gian cuối cùng Công ty Chứng khoán phát hiện lỗi và làm xong toàn bộ hồ sơ sửa lỗi gởi Trung tâm trước 8h30 ngày T+2 (trước đây là 10h00 ngày T+2, tức là sau 2 ngày giao dịch có lỗi), và thực tế là phải xong xuôi hết từ sau đó 1 ngày (T+1) chứ không phải chờ tới “nước” cuối cùng như vậy, và rủi ro sẽ càng lớn hơn nếu việc sai sót lỗi lại rơi vào các mã “hiếm” tới mức cả ngày có khi chả có giao dịch gì hết, vốn điều lệ thì bé, cổ phiếu lưu hành thì không có mấy, và số cổ đông nắm giữ chính và nhiều thì đang nằm tận tỉnh nào tỉnh nào nơi đặt trụ sở chính của họ, chứ phải ở 2 đầu cầu thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh (nơi có thể nộp hồ sơ sửa lỗi cho Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm ở Tp. Hồ Chí Minh), thì công tác ký hợp đồng vay mượn chứng khoán cần có chứng từ chữ ký gốc càng gặp khó khăn. Ở đây mình không muốn bàn sâu quá vào nghiệp vụ sửa lỗi nói trên của Công ty Chứng khoán với Trung tâm nhưng nếu ai muốn xem chi tiết hơn và quy trình này của Trung tâm ban hành cho thị trường có thể xem tại đây, còn với trường hợp giả sử như ở trên sẽ được xử lí bằng cách Công ty Chứng khoán phải chuyển lệnh bán đó về tài khoản tự doanh và tiến hành vay số chứng khoán trên để bù vào lệnh bán do lỗi hê thống (Nếu không có đủ số chứng khoán đó). Và ở Việt Nam mình 3 ngày là hợp lý, vì càng ngắn thì rủi ro hệ thống chung thị trường càng lớn. 

So với quốc tế : trong 1 lần được tham khảo tài liệu chu kỳ thanh toán của các quốc gia khi tổ chức thị trường chứng khoán thì hầu hết phổ biến là T+3, rất ít các quốc gia làm T+2, ngay như Mỹ là có 1 thị trường chứng khoán rất phát triển họ vẫn để … T+4. Như vậy so với thông lệ quốc tế, Việt Nam mình ở mức độ phổ biến, đặc biệt từ tháng 9/2012 thì quá trình thanh toán được chuyển từ 15h chiều T+3 hàng ngày lên trước 9h sáng T+3 để đáp ứng nhu cầu bán ngay trong ngày giao dịch T+3 thay vì phải tận T+4 mới được bán (Về chiều 15h – T+3 tức là sau giờ giao dịch).

Chu kỳ Thanh toán T+3 và những ảnh hưởng liên quan (Ứng trước tiền bán, Ngày giao dịch không hưởng quyền, ngày đăng ký cuối cùng và tra cứu quyền) 

 Mình xin nếu 1 vài ví dụ để cho dễ nhớ, nếu chúng ta mua 1000 cổ phiếu REE vào đầu tuần thứ 2 ngày 24/06/2013, thì ngày 24/06/2013 gọi là ngày giao dịch hay ngày T+0 (hay T), thứ 3 – ngày 25/06/2013 là ngày T+1, thứ 4 – ngày 26/06/2013 là ngày T+2 và thứ 5 – ngày 27/06/2013 là ngày thứ T+3, chính là ngày giao dịch thanh toán, và từ ngày 27/06/2013 – ngày T+3, nhà đầu tư chính thức sở hữu 1000 cổ phiếu REE và có thể bán bắt đầu từ ngày này. Để rõ hơn, trong 1 tình huống khác là 2 ngày tức ngày thứ 4 – ngày 26/06/2013 thì chúng ta lại mua 2000 cổ phiếu REE khác, lúc này thứ 4 – ngày 26/06/2013 là ngày T, thứ 5 – ngày 27/06/2013 là ngày T+1, thứ 6 – ngày 28/06/2013 là ngày T+2 và thứ 2 tuần sau – ngày 01/07/2013 là ngày T+3 (thứ 7, chủ nhật hay kể cả ngày nghỉ lễ không được tính là ngày làm việc), từ ngày 01/07/2013 chúng ta cũng bắt đầu bán được bán được 2.000 cổ phiếu REE này. Cần lưu ý là trước ngày 04/09/2012 thì việc thanh toán được thực hiện vào 15h30 ngày T+3 tức là sau giờ giao dịch, bản chất là T+4 mới giao dịch được. 

 - Dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán tự động : Ở một chiều hướng ngược lại là bán cũng như vậy, bán xong thì 3 ngày làm việc sau tức ngày T+3 cũng nhận được tiền để bạn tiếp tục có thể được giao dịch. Tuy nhiên, do nhu cầu khách hàng muốn sử dụng tiền ngay của mình hoặc là rút tiền hoặc mua tiếp 1 mã khác ngay sau đó khi mà số tiền bán chứng khoán kia vẫn chưa về, tư đây sinh ra dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán tự động, và đây là mảng dịch vụ bổ sung thu thêm phí của Công ty Chứng khoán, cần phải nhấn mạnh rằng ngày T+3 chắc chắn tiền giao dịch sẽ được Trung tâm đảm bảo chuyển về nên khoản này gần như không có rủi ro, về bản chất Công ty Chứng khoán đã đóng vai trò cho vay ngắn hạn vài ngày trong trường hợp này, ngược lại nhà đầu tư cũng chủ động về tài chính khi cần hoặc không để lỡ cơ hội. Nếu chúng ta bán ngày thứ 2 – 24/06/2013 thì thứ 5 – 27/08/2013 tức 3 ngày sau tiền mới về, nếu chúng ta rút tiền ngay lúc đó hoặc mua ngay lập tức trong ngày thứ 2 đó thì xem như chúng ta ứng trước ngay trong ngày và chịu phí vay 3 ngày, lãi vay thường được tính theo ngày vì giả sử chúng ta bán hôm đó nhưng phải đến ngày hôm sau tức thứ 3 – ngày 25/06/2013 chúng ta mới vay thì khi đó ta chỉ chịu phí vay 2 ngày và thứ 4 – ngày 25/06/2013 là 1 ngày. Ở một trường hợp khác, nếu chúng ta bán trong ngày thứ 4 – ngày 26/06/2013 thì phải tận thứ 2 – ngày 01/07/2013 số tiền giao dịch mới về tài khoản, về ngày làm việc thì là 5 ngày nhưng về ngày thực vay lại là … 5 ngày và phí vay ở đây là 5 ngày, và nếu qua nghĩ lễ tết thì số ngày còn lớn hơn nữa. Một điểm đặc biệt đáng nói nữa ở đây là 1 số công ty sử dụng dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán khá thông minh, ngày khi bán thành công, số tiền ứng trước lập tức nổi ngay trên tài khoản (không cần làm gì hết) và có thể mua ngay lập tức lúc đó, nếu cuối phiên lệnh đặt mua từ nguồn tiền ứng trước đó không khớp thì xem như là … bạn chưa ứng trước thật và bạn chưa vạy thật, sang ngày hôm sau sẽ bớt đi ngày vay thì số tiền vay từ dịch vụ ứng trước cũng được “hoàn” lại 1 phần cho đến khi số tiền giao dịch về ngày T+3 mà bạn vẫn chưa mua thành công hay rút tiền thì xem như là … bạn chưa dùng dịch vụ đó và chả chịu 1 khoản phí nào hết dù hôm nào cũng có thể bạn đặt lệnh mua giá thấp không khớp. Tùy từng thời kỳ lãi suất cũng như tùy từng công ty chứng khoán thì phí dịch vụ này thường dao động trong khoảng 0,04 – 0,05% / ngày. 

- Quyền sở hữu chứng khoán và ngày đăng ký cuối cùng, ngày giao dịch không hưởng quyền : trở lại với vấn đề mua bán ở trên, khi chúng ta thực hiện lệnh mua 1.000 cổ phiếu REE và mua thành công trong ngày giao dịch T+0, điều đó không có nghĩa là bạn đã sở hữu chứng khoán, mà tương lai 3 ngày làm việc sau bạn mới thực sự sở hữu số chứng khoán 1.000 cổ phiếu REE đó. Như vậy ta nói bạn chưa sở hữu số chứng khoán REE nào và quyền sở hữu lúc này vẫn đang nằm ở phía người bán trong mấy ngày đó, người bán đã xác nhận bán nhưng không có nghĩa là họ không có quyền sở hữu, chỉ đến ngày T+3 họ mới mất quyền sở hữu 1.000 cổ phiếu REE đó, và khi đó người mua là bạn mới thực sự sở hữu số cổ phiếu này. Chi tiết này rất quan trọng, nó quan trọng ở chỗ hàng năm các công ty niêm yết – tổ chức phát hành (ở đây là REE) đều có ít nhất vài lần chốt danh sách các cổ đông để thực hiện các quyền như: họp đại hội đồng cổ đông, lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, trả cổ tức bằng tiền mặt, trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng, thực hiện phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu, phát hành trái phiếu chuyển đổi, … Một ví dụ thực tế: bạn có thể xem link tại đây (Nguồn: VSD) là Công ty CP Đầu tư Tài Chính Giáo dục EFI đã thực hiện quyền Trả cổ tức năm 2012 bằng tiền, tỷ lệ là 8%, ngày thanh toán cổ tức là 26/07/2013 và ngày đăng ký cuối cùng (là cái ta đang bàn và hay còn gọi nhanh miệng là ngày chốt) là ngày 26/06/2013. Như vậy nếu như chúng ta mua 1.000 cổ phiếu EFI trong ngày thứ 2 – ngày 24/06/2013 thì đó là ngày T+0, khi đó thứ 3 – ngày 25/06/2013 là T+1, thứ 4 – ngày 26/06/2013 là ngày T+2 và chúng ta vẫn chưa thực sự trở thành cổ đông, trong khi EFI lại chốt danh sách vào ngày này và chúng ta không được hưởng quyền cổ tức tiền mặt này (quyền này thuộc về người bán), và để hưởng được quyền này thì chúng ta muộn nhất phải mua EFI trong ngày thứ 6 tuần trước – ngày 21/06/2013 để đến ngày thứ 4 – ngày 26/06/2013 thì chứng khoán vừa kịp về để vào danh sách chốt vào cuối ngày đó. Khi đó ta sẽ gọi ngày 26/06/2013 là ngày đăng ký cuối cùng hay ngày chốt danh sách hưởng quyền, ngày 21/06/2013 là ngày giao dịch cuối cùng có quyền (Mua có quyền và bán mất quyền) và ngày 24/06/2013 là ngày bắt đầu từ đó giao dịch không có quyền hay thuật ngữ chuyên nghành gọi là ngày giao dịch không hưởng quyền (tức là mua thì không còn quyền nữa và bán thì vẫn còn quyền). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 1 khái quan niệm trọng đặc biệt với nhà đầu tư được trình bày ở bài viết tới, nó liên quan chặt chẽ tới sự điều chỉnh giá tham chiếu và biên độ giá tham chiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền ở 1 số quyền nhất định. Để ý 1 chút hơn thì ta thấy ngày giao dịch không hưởng quyền luôn trước ngày chốt đúng 02 ngày làm việc, và trên thị trường để dễ nhớ người ta hay quan niệm là cứ từ ngày giao dịch không hưởng quyền thì mua là chúng ta không có quyền và bán thì vẫn còn quyền (nên nếu muốn bán cứ bán thoải mái). 

- Quy định công bố thông tin về chốt quyền : do việc thực hiện quyền cũng là thông tin quan trọng ảnh hưởng tới chính công ty niêm yết, nên giá thị trường của công ty niêm yết cũng sẽ bị tác động nhất định khi có thông tin quyền liên quan. Nên với nhà đầu tư thì việc tra cứu và nắm trước được thông tin về quyền sắp được thực hiện để khỏi bị bỡ ngỡ là khá quan trọng. Cơ quan quản lý việc này vẫn là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) (Cụ thể là Phòng Đăng ký Chứng khoán của Trung tâm), theo quy định để có ngày chốt danh sách thì đại diện Công ty Niêm yết phải lên Phòng Đăng ký Chứng khoán của Trung tâm (Hoặc chi nhánh Trung tâm ở Tp.HCM) làm việc để quyết định ngày chốt, ngày chốt phải diễn ra sau đó ít nhất 10 ngày làm việc (hoặc xa hơn càng tốt) kể từ ngày Trung tâm chấp thuận ngày chốt danh sách trên cở sở đề nghị của Hội đồng Quản trị Công ty niêm yết và công bố ra toàn thị trường. Vẫn ví dụ EFI kể trên, để có ngày chốt thứ 4 – ngày 26/06/2013 đó thì ngày công bố thông tin muộn nhất phải lùi lại 10 ngày làm việc là … 12/06/2013 (đúng 2 tuần làm việc, thứ 7 và chủ nhật không tính và ngày EFI lên làm việc với Trung tâm để được ngày chốt danh sách đó phải trước cả ngày công bố thông tin ra thị trường vài ngày). Ở đây, ngày thông báo ở Trung tâm là 23/05/2013 tức là trước tới 24 ngày làm việc, quá “thừa” để mọi nhà đầu tư có quan tâm đều biết và có tính toán cho quyết định đầu tư của riêng mình. Thông tin thêm là ngày này trên 2 sàn giao dịch chính là HOSE và HNX có hơn 700 mã chứng khoán đang giao dịch, và mỗi mã hàng năm (khoảng 240 – 250 ngày làm việc) đều chốt danh sách vài lần để thực hiện quyền nên số lượng quyền là trong năm là khá lớn và hầu như ngày làm việc nào cũng có vài doanh nghiệp chốt danh sách quyền.  

Theo Chứng khoán Online

Chủ đề : | edit post

0 Nhận xét

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài đăng.

Bạn có thể đọc bài đăng mới mỗi ngày được cập nhật qua e-mail bằng cách nhập địa chỉ e-mail của bạn tại mẫu sau.

Chuyện Đó Đây luôn trân trọng các ý kiến nhận xét của bạn.

Lưu ý : Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và để lại Quý danh khi gửi nhận xét. Các nhận xét không phù hợp với nội dung bài đăng hoặc vi phạm pháp luật hiện hành sẽ bị xóa.

.
Chuyen do day
Chuyen do day

Các bài mới đăng

Các nhận xét mới

Bài được xem nhiều nhất